Menu

Phỏng Vấn Cán Bộ Tuyển Sinh Đại Học Yale: Ban Tuyển Sinh Yale Duyệt Hồ Sơ Ứng Viên Như Thế Nào

Chưa được phân loại 273 lượt xem 15/09/2023

Trong bài viết này, Eleka gửi tới độc giả nội dung cuộc phỏng vấn cô Susan Shifflett, cố vấn du học Mỹ của Eleka, từng là thành viên Ban Tuyển Sinh Đại Học Yale, về cách thức Ban Tuyển Sinh Yale duyệt hồ sơ các ứng viên.

Susan sẽ giải thích cho phụ huynh và học sinh hiểu những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định của hội đồng tuyển sinh Đại học Yale cũng như các trường tinh hoa của Mỹ.

Hồ sơ của các ứng viên sẽ được duyệt như thế nào bởi hội đồng tuyển sinh Yale, thưa cô Susan?

Susan: Ở Yale, cũng như các trường hàng đầu khác của Mỹ, chúng tôi được phân chia đọc hồ sơ theo vùng địa lý. Cụ thể, tôi phụ trách khu vực bắc California, có nghĩa là tôi sẽ đọc tất cả hồ sơ của ứng viên đến từ khu vực này. Lý do các hội đồng tuyển sinh thường làm như vậy là vì điều này cho phép cán bộ tuyển sinh hiểu sâu sắc hơn và có cảm nhận rõ rệt về nhóm ứng viên đến từ mỗi khu vực riêng biệt. Tất nhiên là chúng tôi không thể hiểu hết mọi thứ về khu vực đó, nhưng chúng tôi cũng hiểu được tốt nhất về bối cảnh văn hóa, xã hội của các ứng viên đến từ khu vực đó. 

Do đó, ít nhất là khi tôi ở Yale, tôi thường là người đọc hồ sơ vòng đầu tiên. Rồi sẽ có người khác đọc vòng thứ 2. Sau đó chúng tôi sẽ xếp hạng các hồ sơ theo các tiêu chí liên quan đến hoạt động ngoại khóa, học thuật và đánh giá chung về từng hồ sơ.

Đến cuối kỳ tuyển sinh, chúng tôi sẽ được phân vào một hội đồng chỉ bao gồm một vài thành viên cho đến nhiều lắm là 12 thành viên. Hội đồng tuyển sinh đó thường bao gồm một vài cán bộ tuyển sinh cấp cao, đôi khi có một số nhân viên của trường và cả các giáo sư.  

Chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua từng ứng viên trong danh sách của khu vực mà chúng tôi phụ trách và giới thiệu những ứng viên mà chúng tôi cho rằng có nhiều cơ hội được nhận. Mặc dù chúng tôi có chú ý đến điểm số và xếp hạng của tất cả ứng viên khác nhau, nhưng chúng tôi sẽ đánh giá chi tiết về những học sinh mà chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng trúng tuyển nhất. Sau cùng, chúng tôi sẽ bỏ phiếu để quyết định xem một học sinh cụ thể có được chấp thuận nhập học hay không. Đó là quy trình xét duyệt hồ sơ tổng thể của chúng tôi.

Với các ứng viên là vận động viên thể thao, chúng tôi sẽ nhận được một danh sách từ ban thể thao của trường mà các huấn luyện viên đề cử vào đội của họ. Ví dụ, vị huấn luyện viên bóng đá tiến cử một danh sách ứng viên cho chúng tôi và chúng tôi thấy rằng Sally và Kristen đang được ưu tiên hàng đầu. Tôi sẽ đọc hồ sơ của họ và biết rằng, OK, ứng viên này đang là ưu tiên số một của nhà trường, yếu tố này sẽ được chúng tôi cân nhắc rất nhiều khi ra quyết định. Nếu ứng viên đó được xếp hạng rất cao về thể thao và đáp ứng các tiêu chí cơ bản về học thuật của một sinh viên Yale, thì khả năng cao là ứng viên đó sẽ được nhận.

Cô đã từng nói rằng điểm thi chuẩn hóa thường khó mà tin tưởng được. Cô có cho rằng có sự thay đổi về cách đánh giá điểm thi chuẩn hóa của ứng viên trong quá trình xét tuyển hay không? 

Susan: Xu hướng này đang ngày càng phổ biến. Điểm thi chuẩn hóa đang ngày một mất đi giá trị, ít nhất là tại các trường tinh hoa như Yale. Các trường đại học nhận ra rằng, điểm thi chỉ thể hiện phong độ của ứng viên trong một bài thi mà thôi. Điểm thi chuẩn hóa không phải là chỉ số học thuật hay chỉ số trí tuệ của ứng viên. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều học sinh ôn luyện với các công ty luyện thi độc lập, nhiều học sinh thi nhiều lần một bài thi và điểm thi chỉ thể hiện phong độ của bạn vào ngày hôm đó mà thôi.

Nhìn chung, học bạ của ứng viên sẽ cho Ban Tuyển Sinh biết nhiều điều hơn về năng lực học thuật trong dài hạn cũng như năng lực thảo luận trong lớp học của ứng viên. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể có được những thông tin này từ các thư giới thiệu của giáo viên THPT.  

Yếu tố kế thừa (legacy) có ảnh hưởng đến quyết định tuyển sinh? Cô có nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi trong tương lai?

(Khi một ứng viên có người thân trong gia đình từng là sinh viên một trường đại học, nếu ứng viên nộp hồ sơ vào trường đó, ứng viên sẽ được coi là có yếu tố “legacy/ tính kế thừa”). 

Legacy không phải là yếu tố quan trọng hay ưu thế như mọi người vẫn nghĩ. Legacy ít quan trọng hơn nhiều so với tài năng thể thao hay học thuật. Nếu chúng tôi có hai ứng viên với năng lực ngang bằng nhau, tất nhiên yếu tố legacy sẽ được xét đến và ứng viên có legacy sẽ có đôi chút lợi thế. Các ứng viên mang yếu tố legacy vẫn phải có năng lực tự đứng trên đôi chân của mình. Chúng tôi sẽ không nhận một ứng viên không đáp ứng được yêu cầu về học thuật tại Yale chỉ bởi ứng viên đó có người thân trong gia đình từng theo học tại Yale trước đây.

Mỗi học sinh có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Một số ứng viên lớn lên ở thành phố hoặc khu vực có môi trường giáo dục tốt hơn. Một số được tiếp xúc với nhiều hoạt động ngoại khóa, một số còn có gia sư riêng. Như vậy, Yale làm thế nào để đảm bảo công bằng trong quá trình xét duyệt hồ sơ?

Susan: Tôi nghĩ rằng rất khó để có một tiêu chuẩn chung hay giải pháp cho tất cả ứng viên. Ngoài Yale, còn rất nhiều trường, ví dụ các trường đại học công lập, nơi họ đánh giá hồ sơ ứng viên chủ yếu dựa trên điểm số (GPA và điểm thi chuẩn hóa). Ngược lại, sẽ có nhiều trường áp dụng tiêu chuẩn xét tuyển tổng thể nhiều yếu tố. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người cho rằng hình thức tuyển sinh này công bằng hơn hình thức kia và ngược lại.

Với bản thân tôi, tôi cho rằng rất khó bởi vì trong quy trình xét hồ sơ tổng thể, điều này tương đối chủ quan. Tôi không biết liệu có thể có cách thức nào đảm bảo công bằng 100% hay không. Tôi tin chắc rằng sẽ có những điều mà ban tuyển sinh phải làm tốt hơn nữa để đảm bảo công bằng. Tôi nhớ rằng trong phòng tuyển sinh, đã có những lần chúng tôi phải suy nghĩ lại, làm thế nào mà chúng tôi lại đánh giá yếu tố X cao hơn so với yếu tố Y. Đây là điều rất khó, và không may là, tôi không nghĩ rằng có câu trả lời thẳng thắn cho câu hỏi này.

Cô có lời khuyên nào dành cho các học sinh và gia đình đang trong quá trình chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học Mỹ?

Susan: Tôi nghĩ rằng các bạn nên cẩn thận. Nộp hồ sơ đại học là một quá trình phức tạp. Ngay cả đối với chúng tôi, khi làm việc với các bạn học sinh của mình, tôi luôn ngạc nhiên khi phát hiện những yêu cầu khác nhau giữa các trường. Mỗi trường có các tiêu chí riêng, các thời hạn riêng và rất nhiều điểm khác biệt. Tôi cũng biết rằng có rất nhiều học sinh và gia đình không có điều kiện sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn. Vì thế, tôi khuyên các bạn hãy lên kế hoạch thật sớm, càng sớm càng tốt. Hãy lập một bảng Excel, liệt kê tất cả các trường mà bạn nghĩ đến, các yêu cầu và thời hạn của họ. Tôi cho rằng một trong những điều quan trọng nhất là cần phải xử lý tốt một lượng thông tin lớn và phức tạp.

Điều cuối cùng là, hãy cởi mở với các lựa chọn. Có rất nhiều trường tuyệt vời ở Mỹ chứ không chỉ có Yale hay Stanford. Và nếu bạn có thể tận dụng được những nguồn tài nguyên mà các trường mang lại cho bạn, thì bạn sẽ thành công dù cho bạn có nhập học ở Yale hay bất cứ nơi nào khác.

Nếu bạn đang chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ và cần sự trợ giúp từ các chuyên gia là thành viên Ban Tuyển Sinh đại học Top 30 Hoa Kỳ, hãy liên hệ với Eleka để chúng tôi sắp xếp các buổi tư vấn chuyên sâu cho bạn.

Hotline: 0837.569.996 / 0947.569.996

Zalo: 0368.915.940 / 0837.569.996

Email: info@elekaacademy.com

Fanpage: Eleka Academy


Gọi điện Chat Zalo