Menu

Du học Mỹ: Chuyển Tiếp Từ Cao Đẳng Cộng Đồng Lên Đại Học

Tin tức 609 lượt xem 10/09/2023

Theo học tại một trường cao đẳng cộng đồng hệ đào tạo hai năm trước khi chuyển sang một trường đại học hệ bốn năm có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho sinh viên quốc tế. Điều này cho phép bạn tiết kiệm tiền học (do học phí tại cao đẳng cộng đồng thấp hơn nhiều so với các đại học bốn năm) và thậm chí tăng cơ hội được nhận vào các trường đại học hệ bốn năm (miễn là điểm GPA của bạn cao!). 

Tuy nhiên, quá trình làm hồ sơ chuyển từ một trường cao đẳng cộng đồng sang trường đại học hệ bốn năm có vẻ hơi khó khăn đối với sinh viên. Bài viết này sẽ cho bạn những lời khuyên để việc chuyển trường của bạn diễn ra suôn sẻ.

Yêu cầu hồ sơ đối với sinh viên chuyển trường

Trước khi bạn quyết định chuyển trường, điều quan trọng là phải biết các trường đại học đang tìm kiếm điều gì! 

Việc chuyển tiếp sang một trường đại học không quá khác so với khi bạn nộp hồ sơ ứng tuyển vào đại học ngay từ trường trung học phổ thông. Thông thường, bạn sẽ cần:

  • Bảng điểm THPT  
  • Bảng điểm những học kỳ đã học ở trường cao đẳng cộng đồng hiện tại 
  • Thư giới thiệu từ các giảng viên
  • Bài luận (theo yêu cầu cụ thể của từng trường)
  • Sơ yếu lý lịch hoặc danh sách các hoạt động ngoại khóa
  • Điểm bài thi SAT hoặc ACT (tùy thuộc mỗi trường – ngày càng có nhiều trường đại học không bắt buộc bạn nộp điểm thi này)

Hầu hết ứng viên cũng sử dụng trang web Common Application để nộp đơn chuyển trường (nhớ chọn hình thức “transfer application” nhé).

Chiến lược để thành công chuyển từ cao đẳng cộng đồng sang đại học

Mặc dù chắc chắn có những điểm tương đồng giữa việc nộp đơn vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT và việc chuyển tiếp sang một trường đại học mới, nhưng quá trình này vẫn khá phức tạp và cần lên kế hoạch. Để giúp quá trình chuyển của bạn diễn ra suôn sẻ và dễ chịu nhất có thể, chúng tôi đưa ra những gợi ý như sau. 

1. Lập kế hoạch trước

Cụ thể hơn, chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu thời hạn nộp đơn của các trường đại học mà bạn định chuyển tiếp, tìm hiểu xem bạn cần nộp những hồ sơ gì và tìm hiểu xem số tín chỉ tích lũy của bạn sẽ được chuyển tiếp sang các trường tiềm năng như thế nào.

Biết trước tất cả những điều này sẽ cho phép bạn tính toán xem bạn sẽ cần bao nhiêu thời gian để thu thập và gửi tất cả các thành phần trong hồ sơ chuyển trường của mình để không bị trễ thời hạn hoặc phải nộp đơn trong tình trạng quá gấp rút.

Ngoài ra, việc biết tín chỉ của bạn sẽ được chuyển đến các trường tương lai như thế nào sẽ giúp bạn xác định xem bạn có muốn chuyển sang trường mới hay không. Ví dụ: nếu bạn thấy rằng có rất ít hoặc không có tín chỉ nào được chuyển tiếp sang một trường đại học và về cơ bản bạn sẽ phải làm lại từ đầu nếu đến đó, bạn có thể không còn muốn chuyển sang trường đó nữa – điều đó cũng dễ hiểu thôi.

2. Đừng chỉ đăng ký các khóa học đại cương

Nhiều sinh viên cao đẳng cộng đồng khi không chắc chắn sẽ lựa chọn chuyên ngành nào thường nghĩ rằng tích lũy càng nhiều môn học đại cương (general education courses) càng tốt vì sau này kiểu gì cũng cần đến. Tuy nhiên, điều này thường dẫn đến việc tình trạng tích lũy dư thừa tín chỉ đại cương trong khi lại thiếu những tín chỉ cần thiết để được công nhận vào chuyên ngành sau này.

Tất nhiên, chúng tôi không nói rằng bạn không nên tham gia bất kỳ khóa học đại cương nào, chỉ là không cần tham gia quá nhiều mà thôi. Nếu bạn cảm thấy mình có thể đang muốn theo đuổi một lĩnh vực học thuật nào đó như khoa học xã hội – nhân văn hoặc STEM, bạn nên chọn một số khóa học liên quan đến lĩnh vực đó. 

Điều này sẽ giúp bạn trải nghiệm lĩnh vực đó để biết liệu bạn có thực sự yêu thích hay không. Nếu quả thực bạn yêu thích lĩnh vực chuyên ngành đó, bạn có thể bỏ qua một số khóa học nhập môn ngành ở trường đại học mới (vì bạn đã học các môn này rồi).

3. Lựa chọn chuyên ngành

Việc chọn một chuyên ngành sớm sẽ rất có lợi. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn muốn theo đuổi lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) hoặc điều dưỡng. Những lĩnh vực đó thường có rất nhiều môn điều kiện.

Trong học kỳ đầu tiên tại trường cao đẳng cộng đồng, hãy cố gắng tham gia các khóa học liên quan đến lĩnh vực mà bạn có thể quan tâm. Bằng cách này, bạn có thể xác định liệu mình có muốn theo đuổi chuyên ngành đó hay không. Nếu bạn làm điều này và vẫn không chắc chắn về chuyên ngành, chúng tôi khuyên bạn nên đến tham vấn trung tâm hướng nghiệp của trường. 

Tại đó, bạn sẽ có thể xin lời khuyên nghề nghiệp từ các cố vấn và thậm chí làm bài kiểm tra nghề nghiệp. Bài kiểm tra nghề nghiệp có thể dẫn bạn đến một lĩnh vực thú vị mà trước đây bạn thậm chí còn chưa biết đến.

Việc chọn chuyên ngành sớm không chỉ có lợi cho quá trình chuyển của bạn mà còn có lợi cho cả quá trình học đại học, ngay cả khi bạn có thể sẽ đổi chuyên ngành sau này. Nếu sau này bạn quyết định chuyển chuyên ngành, đừng xấu hổ! Việc đổi chuyên ngành rất phổ biến tại đại học Mỹ – khoảng 75% sinh viên thay đổi chuyên ngành ít nhất một lần trước khi tốt nghiệp.

4. Giữ cho điểm trung bình môn của bạn cao

Chuyển tiếp từ cao đẳng cộng đồng sang đại học không hề dễ dàng hơn việc nộp hồ sơ vào đại học ngay từ THPT. Việc chuyển tiếp thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào GPA (điểm trung bình môn) ở trường cao đẳng của bạn.

Cho dù bạn đang tham gia các khóa học đại cương hay các khóa học chuyên ngành, điều quan trọng là phải giữ điểm trung bình của bạn ở mức cao. Chúng tôi khuyên bạn nên duy trì điểm GPA của mình trong khoảng GPA của những ứng viên đã được chấp thuận vào các trường đại học mà bạn muốn chuyển tiếp (hoặc cao hơn, nếu có thể!). 

Thông thường, các trường đại học sẽ yêu cầu ứng viên chuyển tiếp (transfer) phải gửi bảng điểm của tất cả các môn đã học ở trường cao đẳng cộng đồng. 

Nếu bạn định nộp đơn xin chuyển trường và mới chỉ hoàn thành ít hơn một số tín chỉ nhất định (thường là những sinh viên xin chuyển trường sau năm nhất), bạn cũng có thể phải nộp cả bảng điểm THPT của mình.

5. Nghiên cứu các trường đại học tiềm năng

Bạn nên lập danh sách những điều bạn mong muốn và những điều không mong muốn ở trường đại học mới. Một số yếu tố bạn có thể đưa vào danh sách của mình là: địa điểm có lý tưởng với bạn (thành phố lớn hay thị trấn nhỏ), liệu trường đại học có chuyên ngành bạn muốn theo đuổi hay không và môi trường văn hóa, xã hội ở trường đại học đó có phù hợp với bạn?

Nếu chi phí học tập đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn trường đại học của bạn, thì bạn cần cân nhắc đến các gói hỗ trợ tài chính của từng trường dành cho sinh viên quốc tế. 

Có nhiều website chuyên đánh giá các trường đại học, có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin về chính sách hỗ trợ tài chính, yêu cầu đầu vào của các đại học Mỹ, như The Princeton Review, US News & World Report, Times Higher Education. 

6. Tìm hiểu chính sách chuyển tiếp tín chỉ của trường mục tiêu

Có thể nói, một trong những điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển trường đó là tìm hiểu cơ chế chuyển tiếp tín chỉ của trường mục tiêu. Nếu bạn xin chuyển tiếp vào các trường trong cùng tiểu bang, có thể đã có thỏa thuận chuyển đổi tín chỉ được thiết lập giữa trường cao đẳng cộng đồng hiện tại của bạn và trường đại học hệ bốn năm bạn muốn chuyển đến. Ví dụ, hệ thống trường đại học California (University of California) có thỏa thuận chuyển đối tín chỉ với nhiều cao đẳng cộng đồng trong tiểu bang California như De Anza College. 

Nếu bạn đăng ký vào các trường khác tiểu bang, bạn có thể gửi bảng điểm của mình đến các trường mục tiêu của bạn, họ sẽ sử dụng những thông tin này để xác định những tín chỉ nào có thể được chuyển tiếp.

7. Xin lời khuyên từ cố vấn học tập

Các cố vấn học tập của bạn hiểu rõ quá trình chuyển trường diễn ra như thế nào và có thể đã giúp đỡ các sinh viên khác trong quá trình chuyển trường trước đó. Bạn nên bàn với cố vấn của mình về kế hoạch chuyển trường. Người cố vấn có thể thông báo cho bạn về bất kỳ thỏa thuận chuyển trường nào được thiết lập giữa trường hiện tại và trường mục tiêu của bạn đồng thời đề xuất các khóa học được công nhận chuyển tiếp.

Ngoài ra, bạn có thể gửi email hoặc nói chuyện với cố vấn tại (các) trường mục tiêu của bạn. Họ sẽ trả lời các câu hỏi của bạn về trường của họ và quy trình chuyển tiếp cũng như chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng dành cho sinh viên chuyển tiếp như bạn. 

8. Hãy nộp đơn!

Cuối cùng, đã đến lúc nộp đơn! Với một bộ hồ sơ đã đầy đủ mọi thành phần, bạn đã sẵn sàng nhấn nút gửi bộ đơn đăng ký của mình. Sau đó bạn hãy đảm bảo theo dõi email phản hồi từ các trường đại học. Cũng giống như lần đầu tiên bạn nộp đơn vào đại học, mỗi trường đại học cũng có thời hạn nhận hồ sơ chuyển tiếp khác nhau.

Một số trường chỉ chấp nhận đơn xin chuyển trường vào mùa xuân, trong khi những trường khác có cả thời hạn chuyển trường vào mùa thu và thời hạn mùa xuân.

9. Phải làm gì sau khi bạn chấp nhận lời đề nghị nhập học từ trường mục tiêu?

Sau khi bạn chấp nhận lời đề nghị nhập học của trường mình muốn chuyển đến, hãy hoàn thành một số bước cuối cùng, thường bao gồm:

  • Chuyển tiền đặt cọc học phí
  • Nộp đơn xin hỗ trợ tài chính (nếu bạn chưa nộp đơn)
  • Nộp đơn đăng ký nhà ở/Tìm nhà ở
  • Lên lịch cho ngày định hướng
  • Lên lịch gặp cố vấn học tập để thảo luận về các lớp học và tín chỉ chuyển tiếp
  • Đăng ký lớp học đúng thời hạn!

Sau cùng, chúc bạn thành công và hạnh phúc tại ngôi trường mới của mình!

ĐĂNG KÝ NHẬN EBOOK CẨM NANG DU HỌC VÀ TƯ VẤN CHUẨN BỊ HỒ SƠ MIỄN PHÍ

Liên hệ bộ phận tuyển sinh Eleka

Hotline: 0837.569.996 / 0947.569.996

Email: info@elekaacademy.com

Fanpage: Eleka Academy


Gọi điện Chat Zalo